VDM FORWARDER CO.,LTD

Slide I
Slide 2
Slide 1

Xe tải lên ngôi

Từ khi Bộ Giao thông Vận tải kiểm soát chặt tình trạng xe chở quá tải, thị trường xe tải nóng dần lên...

Kinh doanh xe tải “vào mùa”

Ghi nhận từ các đại lý kinh doanh xe tải, lượng tiêu thụ xe tăng nhanh kể từ đầu năm nay, nhất là nhóm xe tải hạng trung có tải trọng 8-10 tấn. Đây là dạng xe phù hợp chuyên chở hàng hóa trong các đô thị. Đặc biệt, kể từ tháng 4-2014, khi Bộ Giao thông Vận tải siết chặt vấn đề tải trọng, nhu cầu “sắm” thêm xe của các doanh nghiệp vận tải tăng đột biến. Xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe lắp ráp trong nước đều bán chạy.

Theo Công ty Nam Việt Motor - nhà phân phối xe tải Hyundai tại Việt Nam, lượng xe tải Hyundai tiêu thụ trong tháng 5-2014 tăng 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính cả năm tháng đầu năm thì tăng tới 130% so với cùng kỳ năm 2013.

Hiện các công ty chuyên cung cấp xe tải như Thaco, Hyundai, Hino Motors Việt Nam, Isuzu Việt Nam... đã chuẩn bị các dòng xe tải hạng trung phù hợp yêu cầu. Nhưng do nhu cầu tăng đột ngột về lượng, các nhà sản xuất cũng như nhập khẩu hầu như đều rơi vào tình trạng không đáp ứng kịp nhu cầu tức thời của khách hàng.

Theo một đại lý kinh doanh xe tải ở quận Thủ Đức (TPHCM), một số mẫu xe tải lắp ráp trong nước đã được đặt mua nhưng phải đến đầu năm sau khách mới có thể nhận xe. Hiện chỉ có các mẫu xe tải nhập khẩu có khả năng cung cấp nhanh xe cho khách hàng. Gần đây, hoạt động nhập khẩu xe tải trở nên nhộn nhịp, không chỉ có các dòng xe tải đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản... mà còn có một lượng không nhỏ xe tải từ Trung Quốc. Từ cuối tháng 5-2014, các cơ quan quản lý nhà nước đã ghi nhận xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt, bao gồm xe tải có thùng, xe sát xi (chassis - khung gầm xe bao gồm động cơ), xe đầu kéo...

Mua đã khó, sử dụng càng khó hơn

Đại diện một hợp tác xã vận tải tại TPHCM cho biết tình hình kiểm soát tải trọng xe hiện khá căng thẳng.

Không chỉ cân xe, thanh tra giao thông còn đo chiều dài, chiều cao thùng xe để xác định có cơi nới thùng xe hay không.

Điều này liên quan đến việc ngành đăng kiểm yêu cầu kiểm tra thực tế tải trọng và kích thước thùng xe. Và cho tới thời điểm này, Cục Đăng kiểm vẫn đang “loay hoay” điều chỉnh một số quy định kiểm tra tải trọng xe dẫn tới nhiều trường hợp không thể hoàn tất hồ sơ đăng kiểm.

Một trong những rắc rối phổ biến là xác định tự trọng (trọng lượng của chiếc xe) đối với các xe tải từng cơi nới thùng xe trước đây, nay tuy đã phục hồi về nguyên trạng nhưng vẫn không đăng kiểm được. Lý do là tự trọng sau khi phục hồi nguyên trạng vẫn bị chênh lệch với giấy tờ đăng ký xe. Để có thể hoàn tất đăng kiểm, nhiều chủ xe xoay xở bằng cách sử dụng thùng xe “siêu nhẹ” để giảm tự trọng xe.

Có lẽ phải chờ đến tháng 10-2014, khi có thông tư mới quy định về kiểm tra tải trọng, kích thước chuẩn của thùng xe tải thì mới hy vọng quy trình đăng kiểm ổn định trở lại.

Giá cước đã tăng lại khó kiếm người chở hàng

Trong tình hình siết chặt xe quá tải, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp giao nhận hàng cũng gặp khó khăn lây. Giá cước vận tải đã tăng mà còn thiếu xe vận chuyển hàng hóa. Nếu các công ty kinh doanh kho vận hoặc cung cấp dịch vụ giao nhận mà so đo về giá cước vận tải, doanh nghiệp vận tải sẽ từ chối vận chuyển ngay với lý do không còn xe, thậm chí, họ còn ra giá cước cao hơn trước.

Đội xe tăng gấp đôi?

Đại diện một doanh nghiệp vận tải nội địa ở Hà Tĩnh cho biết để tránh bị phạt quá tải, đội xe của công ty phải hạ tải, và do đó, năng lực chuyên chở hàng hóa giảm chỉ còn một nửa so với trước. Sắp tới, công ty này sẽ phải mua thêm 5-10 xe đầu kéo, đồng thời xoay vòng nhanh các chuyến vận chuyển hàng mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, khẳng định việc các doanh nghiệp vận tải sẽ phải đầu tư thêm đầu xe nếu họ muốn giữ chân khách hàng. Có khả năng nhiều doanh nghiệp phải tăng đội xe lên gấp đôi để duy trì năng lực vận tải như trước.

Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cũng ghi nhận các doanh nghiệp thành viên đang mua thêm các loại xe tải hạng trung, hạng nặng, xe đầu kéo... Thay vì cơi nới thùng xe để tăng tải trọng như trước, hiện các doanh nghiệp vận tải phải chọn mua các loại xe có tải trọng cao hơn để tăng năng lực vận tải.

Thị trường sôi động nên giá các loại xe đầu kéo, xe tải có thùng... cũng bị các đầu mối kinh doanh xe tải “té nước theo mưa” mà đẩy lên. Giá mới của dòng xe tải hạng nặng bị đẩy lên vài trăm triệu đồng; xe đầu kéo đã qua sử dụng cũng bị “thổi giá” lên 300-400 triệu đồng.

Cũng theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, việc chuyên chở hàng hóa đúng tải trọng sẽ có lợi cho các doanh nghiệp. Bởi theo kinh nghiệm, một chiếc xe tải nếu quay về chở đúng tải trọng sẽ kéo dài thời gian sử dụng gấp 3-4 lần, đồng thời chi phí xăng/dầu, bảo dưỡng... giảm khoảng 50%.

Khi xe tải quay trở lại “giá trị thực”, doanh nghiệp tuy có khó khăn hơn do phải đầu tư thêm xe mới, giá cước vận tải tăng... nhưng hoạt động vận tải sẽ đi vào nề nếp kinh doanh đúng luật. Mặt khác, khi xe tải bớt “phá đường” thì Nhà nước cũng giảm bớt gánh nặng bảo dưỡng cầu đường.

 

Nguon TBKTSG

Liên hệ
  • Kinh doanh 1
    0909021545
  • Kinh doanh 2
    0935711730
  • Kinh doanh 3
    0909711730
0909 021 545
Thống kê truy cập
zalo-img.png
Gửi bảng giá
Để lại thông tin liên hệ của bạn chúng tôi sẽ gửi bảng giá nhanh nhất cho bạn
Chọn dịch vụ